ERC-3525 là gì?
ERC-3525 là chuẩn token mới trên Ethereum, được khởi xướng bởi Ryan Chow và các thành viên của Solv Protocol. Cụ thể hơn, ERC-3525 là chuẩn token dành cho Semi-fungible Tokens, một loại tiêu chuẩn mở rộng của NFT.
Trước khi đi sâu hơn, cùng ôn lại một chút kiến thức về ERC và các loại chuẩn token trên Ethereum.
Tiêu chuẩn ERC (Ethereum Request for Comments) là quy chuẩn cho việc phát triển trên Ethereum, từ token, các định dạng, và nhiều thứ hơn nữa. Khi token có chung một chuẩn sẽ cho phép các ứng dụng và smart contracts có thể tương tác với chúng theo một cách dễ đoán hơn.
Bất kì ai cũng có thể tạo một tiêu chuẩn ERC, tuy nhiên việc phát triển và ứng dụng thực tế tiêu chuẩn đó lại là câu chuyện khác. Cho đến thời điểm hiện tại đã có rất nhiều chuẩn ERC được ra đời như ERC-20, ERC-223, ERC-721, ERC-809… nhưng chỉ có một vài chuẩn như ERC-20, ERC-721 được ứng dụng nhiều cho đến hiện nay. Trong đó:
- ERC-20 là tiêu chuẩn kỹ thuật được sử dụng để phát hành và triển khai token trên mạng lưới Ethereum, một dạng Fungible Token. ERC20 cung cấp cho các nhà phát triển danh sách các quy tắc phải tuân theo cho phép các ERC-20 hoạt động liền mạch trong nền tảng Ethereum.
- ERC-721 là chuẩn token NFT (Non-Fungible Token) được sử dụng phổ biến ngày nay với nhiều phần mở rộng tùy chỉnh hơn ERC-20. Non-Fungible Token (NFT) là một loại token đại diện cho một tài sản độc nhất. Điều này có nghĩa là mỗi token là duy nhất và không thể được hoán đổi cho một token khác.
Mỗi tiêu chuẩn trên Ethereum đóng một vai trò riêng, việc các loại token được nhóm lại thành các chuẩn cũng sẽ giúp dễ dàng quản lý tài sản hơn. ERC-3525 ra đời với mục đích tối ưu hóa khả năng sử dụng các loại NFT, giúp cho việc ứng dụng các NFT trở nên dễ dàng và đa dạng hơn.
ERC-3525 là tiêu chuẩn dành cho Semi-fungible Tokens, vậy Semi-fungible Tokens là gì?
Semi-fungible Tokens là gì?
Semi-fungible Tokens (SFT) hay còn gọi là token bán thay thế, hiểu đơn giản là những token vừa mang đặc tính của token không thể thay thế (NFT) và token có thể thay thế (BTC, ETH, BNB,…). Ban đầu, chúng mang đặc tính có thể trao đổi tự do như những token bình thường, sau đó chuyển trạng thái trở thành những NFT.
Một ví dụ đơn giản cho khái niệm này là tưởng tượng các bạn đang sở hữu vé xem trận thi đấu của đội tuyển Việt Nam, mỗi chiếc vé sẽ có mệnh giá nhất định. Trước khi trận đấu bắt đầu, các bạn hoàn toàn có thể trao đổi chiếc vé này lấy một chiếc vé khác, miễn là cùng một trận đấu và cùng khu vực khán đài. Khi đó chiếc vé này giống như một Fungible Token.
Sau khi trận đấu kết thúc, những chiếc vé này sẽ không mang giá trị như trước mà trở thành một vật kỉ niệm hoặc kỷ vật sưu tầm. Lúc này chiếc vé sẽ không thể thay thế qua lại (giống như một NFT).